Đặc sản của người Hoa

Category: ,

Xóm cũ của tôi, ngày nào cũng vậy, cứ tầm khoảng 11 giờ là có ông Tàu đẩy xe đến bán các loại cà na, mứt, cắn chỉ, xí muội, bánh pía,… Tôi không thích vị chua nên chẳng quan tâm đến chiếc xe của ông nhiều. Tôi chỉ để ý đến cái món chua chua được cắt lát mỏng dính, hình tròn màu hồng mà nhỏ bạn tôi gọi là xí muội cán dẹp. Tôi thường mua xí muội để chơi trò trao “mình Chúa” với đám bạn. Nghĩa là các bạn lè lưỡi ra để tôi đặt xí muội vào miệng vì chúng có hình dạng giống như chiếc bánh lễ trong nhà thờ. Đám bạn được ăn miễn phí xí muội nên thích chơi trò đó với tôi lắm.

 

Xí muội hoa mai

Chiếc xe của ông Tàu chở một thùng kính to được đặt nằm ngang. Thùng kính chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa một loại mứt khác nhau. Ai mua, ông kéo kính và lấy giấy gắp ra những miếng mứt, cà na, rồi gói lại đưa cho họ. Tủ kính đặt thấp, vừa tầm nhìn bọn con nít chúng tôi. Chúng tôi thích món gì, chỉ cần chỉ tay lên mặt kính để chọn, kiểu nào ông cũng chiều hết, thậm chí còn cho chúng tôi ăn thử.

Một lần, tôi cùng nhỏ bạn đứng xớ rớ bên xe kính, ông Tàu xách xô đến phông-tên (fontaine) công cộng lấy nước. Tôi rủ nhỏ bạn kéo kính lấy ít xí muội cán dẹp, nhỏ ừ. Hai đứa chỉ dám lấy tí xíu mứt, nhưng cũng sợ lắm. Vì vậy nên dù vẫn còn thời gian cho một ” phi vụ” nữa, tụi tôi không dám làm.

Những hàng quán ngày xưa người ta thường bày mận, ổi, me, bánh,… phía ngoài kệ. Phía trên quầy, người ta treo đồ chơi lủng lẳng, nên mấy rổ mận, bánh… cũng khuất tầm nhìn người bán. Một lần tôi đang cầm trái mận, bạn gọi, tôi cầm đi theo luôn, giật mình mới biết mình “cầm nhầm”. Nhỏ bạn tôi xúi đến cái hẻm xóm trên ăn. Chao ôi, một trái mận “chôm” ăn sao ngon thế chứ! Hôm sau, tôi và nhỏ bạn rủ nhau “làm tiếp”. Chẳng ngờ về nhà mẹ tôi bảo chị Cúc thấy tôi lấy mận, vì nể mẹ mà không la lên. Thế là tôi bị mắng một trận, bị ” cho treo” năm cây roi mây. Từ đó tôi không dám cầm nhầm bất cứ “món” nào nữa, kể cả món “bánh lễ chua” của ông Tàu.

Mỗi lần ông Tàu đến xóm, chúng tôi nghe ông rao như hát “Cà na, cà na cắn chỉ, cắn chỉ cắn chỉ xí muội…”. Tuy không thích chua, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cái món “mình Chúa” ấy. Mấy độ Tết đến, tôi cũng đi loanh quanh những hàng mứt để tìm lại món xí muội cán dẹp hay cà na hoặc cắn chỉ…của ông Tàu ngày xưa, mà không thấy. Cà na của ông Tàu không phải những trái cà na xanh ngâm đường rồi lấy ra chấm muối ăn như hiện nay mà có vị chua chua ngọt ngọt khó diễn tả. Cắn chỉ của ông cũng ngọt ngọt chua chua…, không giống bất cứ loại mứt nào hiện nay.

Nói đến đặc sản của người Hoa còn phải kể đến một loại bánh thường bán tại tiệm của bà Tàu gần nhà tôi, có tên là bánh pẻng. Tôi nhớ bánh có hương vị đặc biệt, giống như bánh in của người Việt nhưng dường như là thay lớp bột nếp bằng đậu xanh nướng, ở giữa có tí mứt bí… Ăn rất ngon! Chuyện xưa kể rằng: Có một người đang buổi trưa ra vườn đứng nhìn lên tàng cây cao, gặp một con tinh chỉ xuống ngay mắt ông. Ông bị mờ mắt. Rồi ông gặp được một thiền sư chữa bệnh. Thiền sư chỉ ông hãy ăn một loại bánh pẻng có hình Đức Phật, mắt sẽ từ từ sáng ra. Tôi nghe kể chuyện, lại để ý thấy những chiếc bánh pẻng luôn có hình các ông tiên, nên càng tin đó là một loại thuốc để ngừa những bệnh tà ma!

Bánh pẻng nay gọi là bánh in vàng

Người Hoa còn có một loại chè ngon mà tôi rất thích, có là chí mè phủ, còn gọi là chè mè đen. Ăn xong miệng mồm đen thui. Sau này tôi lại thích chè đậu xanh bột báng hay đậu xanh phổ tai hơn nên không thiết tha với món chí mè phủ nữa.

Mồng 5 tháng 5 âm lịch, những doanh nhân Hoa kiều bạn với cha tôi thường mang biếu chúng tôi bánh pá chạng. Đó là loại bánh ú có hột vịt muối, hạt maron và hương vị thật đặc biệt. Sau năm 1975, gia đình tôi cho một người Hoa thuê nhà,  ông đã biếu chúng tôi những chiếc bánh pá chạng với hương vị ngày xưa. Rồi ông dọn đi, hương bánh pá chạng cũng thất lạc từ đó. Sau này, chúng tôi làm việc có tiền, ngày Tết mồng 5 cũng muốn tìm mua bánh pá chạng có hương vị trong ký ức. Chúng tôi đi lòng vòng, nào nhà hàng Đồng Khánh, La Cai… tất cả đều chỉ bán bánh ú của người Việt hoặc bánh ít lá gai. Thật khó tìm thấy lại hương vị ngày cũ.

 

Bánh ú Pá chạng vẫn còn lưu giữ trong cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng

Tôi đi dạy, hàng ngày thường ra vào bến xe Chợ Lớn. Thi thoảng tôi cũng tìm mua cà na, cắn chỉ, xí muội cán dẹp, bánh pẻng, pá chạng… trong khu dân cư người Hoa. Nhưng tất cả tìm kiếm chỉ là vô ích! Có thể vẫn là cà na, cắn chỉ, bánh pẻng… nhưng hương vị đã thay đổi hẳn, không giống như những loại bánh mứt đặc trưng của người Hoa ngày xưa tôi từng nếm thử. Lòng bỗng nghe buồn buồn vì hương vị xưa nay đã mai một và chợt nhớ về xóm cũ. Nơi đó có ông Tàu đẩy xe kính, những món ăn chua chua…, và cả những lần tôi từng chôm những miếng xí muội cán dẹp…

Tất cả như đã vào quá khứ, đi hoài vẫn không tìm gặp lại được hương vị đã mất, cũng như tìm hoài chẳng thấy lại Ta của Ngày Hôm Qua…

(Bài viết sử dụng tư liệu trong quyển ” Sài Gòn thương và nhớ” của tác giả Nguyễn Ngọc Hà- NXB Thế Giới.)

TAGS:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *